Sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển 10, trang 24 (chữ Hán) đời Thế tông Hiếu Vũ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 16 (1754) chép: “Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cám ơn. Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Hoàng Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra Hoàng Sa, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay), để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.
Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý thời ấy ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn trong hoàn cảnh tay cầm cuốc, tay cầm gươm để mở đất khai hoang. Kể từ khi được thành lập vào thời chúa Nguyễn cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước thì hải đội Hoàng Sa vẫn hoạt động nhằm bảo vệ vùng biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa.
Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí… hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Và khi về đội Hoàng Sa phải báo cáo với triều đình về những việc làm trong thời gian trên biển.
(Bee.net.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét