Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Lần theo giấc mơ Tiên - phần 2


8. Tặng thơ - tặng quà

Tôi tới nhà lúc chủ, thợ dùng cơm trưa. Tôi chần chừ ngoài cổng nhìn đôi câu đối:
                 “Tổ tiên công đức muôn đời thịnh,
                 Con cháu thảo hiền vạn tết xuân”
và chữ “đo may”.
Từ trong nhà, một người phụ nữ dong dỏng cao, lanh lẽ đi ra ngoài cổng. Chị vận bộ quần áo màu mỡ gà đồng phục, hoa màu cánh sen. Búp sen đẫy đà chuẩn bị phô nhũy. Nước da trắng hồng làm đôi mày ngài nổi lên đen sắc. Chị cười vồn vã:
- Ta biết mà! Đức Tiên Ông, Người dẫn con Rồng Đen đến với Ta!
Tôi không dối lòng mình, thật tình phút gặp ban đầu ấy làm cho tôi không tài nào chấp nhận các từ ngữ “con” và “Ta” được. Tôi không biết môn tử vi, song tôi sinh năm 1947, năm Đinh Hợi - tức cầm tinh Con Lợn. Vậy sao lại bảo con Rồng Đen?
Chị vồn vã mời tôi vào. Tới nhà, chị lại nói:
- Con ngồi xuống ăn cơm với Ta!
Nhìn qua bữa ăn của chị, tôi thấy đạm bạc vô cùng. Một bát Hải Dương canh rau ngót, ba lát đậu phụ, một thìa vừng lạc và vài lưng bát cơm. Các mâm cơm có bảy, tám người ngồi ăn. Già, trẻ, nam, nữ đều có. Mỗi mâm hai rá cơm to, một thau canh rau ngót, một bát vừng lạc. Họ vui vẻ mời tôi cùng ăn. Tôi từ chối:
- Cảm ơn chị! Tôi đã ăn rồi. Mời chị và bà con cứ tự nhiên!
Khi tôi nói đến từ “chị”, mọi đôi mắt đều đổ dồn về tôi. Gần như tất cả các đôi mắt ấy đều cùng một ý nghĩ: lo lắng, thương hại cho tôi! Nhìn vào các đôi mắt, tôi bất giác ngó lại mình xem có gì ăn mặc lôi thôi không? Nói năng có điều gì sàm sỡ không? Nghiêm túc mà nói là không có gì như vậy.
Sao các đôi mắt lại lo lắng, thương hại cho tôi đến vậy?
Là hoạ sĩ, bao giờ chúng tôi cũng phát hiện được nhiều điều trong đôi mắt. Ở đây không phải một, mà là trên sáu mươi đôi mắt, tôi đều đọc được trong đó sự lo lắng và thương hại. Tôi không nhầm. Chính do tự tin vào sự nhạy cảm nghề nghiệp mà tôi khẳng định như vậy.
Thấy tôi từ chối dùng cơm trưa, chị đưa ấm trà và cái chén về phía tôi, giọng hồ hởi:
- Con không ăn cơm thì ngồi uống nước!
- Vâng! Cảm ơn chị.
Tôi lại đọc được lần nữa tình cảm từ các ánh mắt lúc nãy. Đó là sự lo lắng và thương hại. Tôi phát hiện ra: nguyên do là ngôn từ “chị” đây!
Mọi người cơm nước xong, họ tuỳ nghi di tản. Người ra gốc mít, tốp tụm gốc dừa, tốp đi tắm, tốp đánh bài tú lơ khơ, tốp trải chiếu đầu hè nghỉ ngơi ít phút. Riêng tôi như con chim lạc bầy. Lúc này tôi thấy lẻ loi thực sự.
Chiều đến, họ vào việc. Người nào việc nấy. Tôi thấy mình thừa trong nhịp độ lao động khẩn trương, vô tư và tự giác này. Tôi có dịp đi tham quan một vòng quanh nhà để giải khuây. Bụng nghĩ: thôi đành chịu phận chim lạc bầy, rán trú ngủ tối nay, ngày mai cáo lui sớm. Đó là kế thượng sách...
Tôi dừng chân nơi anh thợ cả tên Hùng. Anh dùng bay to, bay bé trổ xuyên hoa xi măng trang trí. Tôi dừng lại ngắm nhìn. Thấy anh thợ khéo tay, song bố cục các hoạ tiết chưa đạt. Tôi bèn vẽ lại cho anh. Nhưng anh thực lòng góp ý:
Đường nét anh vẽ thì sắc đẹp, song kết cấu như vậy không đủ khả năng chịu lực.
Tôi nghĩ: ý kiến của anh thợ thật chân tình. Tôi vẽ lại và anh đồng ý. Chúng tôi trở thành đôi bạn học nghề nhau. Có bạn, anh lấy một ấm trà, hai cái chén và bó thuốc lá cuộn Lạng Sơn. Chúng tôi vừa làm vừa trà thuốc tâm đồng ý hợp. Tôi quý anh thực sự vì con người anh cởi mở, thật thà, và năng nổ làm việc. Lại nữa, anh chịu khó học nên biết nhiều nghề, tuổi đời tuy ít mà trường đời từng trải.
Thấy chúng tôi thân nhau, chị Vân cũng lại ngồi xem. Anh thợ Hùng đi lấy thêm cái chén và rót nước mời chị Vân uống. Chị nói chuyện với Hùng. Tôi im lặng lắng nghe.
Khoảng bốn giờ chiều, có hai chú bộ đội đi vào hỏi:
- Chị cho tôi hỏi đây có phải là nhà bà Vân không ạ?
- Ta là Vân đây! Con định hỏi gì?
Chị đang cầm chén nước uống giở trên tay. Hai chú bộ đội thấy chị còn trẻ đổi cách xưng hô:
Báo cáo chị! Đời lính, chị chẳng lạ gì. Em bị bệnh kiết lỵ, muốn đến nhờ chị ít thuốc.      
- Con quê ở đâu? Họ gì?
- Ở huyện Như Xuân, Thanh Hoá, họ Lê ạ!       
- Con có biết ông Tứ đại không?
- Dạ, không!
- Tam đại là ông Lê Văn Hành phải không?
- Đúng ạ!
- Con uống nước với Ta!
Nói rồi, chị trao chén nước đang uống giở trên tay mời chú bộ đội. Chú từ chối (ý chừng như thấy chị đã uống một ít rồi):
- Cảm ơn chị, em không khát!
- Ta mời mà, con uống đi!
Thế không thể lui, chú bộ đội cầm chén nước nhấp một ngụm, đổ cặn, rồi trao chén lại. Chị cầm chén, rót nước, vừa uống vừa nói chuyện với anh thợ Hùng. Hai chú bộ đội chờ gần một giờ, ý chừng sốt ruột, vội nói:
- Xin chị làm ơn cho ít thuốc, đơn vị ở xa, sợ tối.
- Ta cho thuốc rồi đấy! Con về đi, ít hôm là khỏi. Con mua thẻ hương, đĩa trầu đến đây để Ta có lời với đức Tổ họ Lê cho!
Hai chú bộ đội nhìn nhau, vẻ ngạc nhiên. Tôi cũng ngạc nhiên thực sự khi nghe chị nói “Ta cho thuốc rồi đấy”.
Chị đọc được hoài nghi của chúng tôi, nên giải thích:
- Chén trà con uống là thuốc đó. Khỏi đấy. Con về kẻo tối, đi đường vất vả!
Thực tình, tôi không khỏi phân vân...
Tối đến, tôi ăn cơm chung với thợ. Thật vui. Chúng tôi ăn một cách ngon lành.
Tối hôm ấy, chị tập trung tất cả già trẻ lại để kiểm điểm công việc trong ngày, bố trí kế hoạch cho ngày hôm sau và phát lộc. Chị trình bày mọi thứ bằng thơ. Tôi có cảm tưởng hình như chị không biết nói văn xuôi. Chị giống như một người từ thiên thể khác lạc vào Trái đất. Hành tinh mà chị ở chỉ quen nói với nhau bằng thơ?
Đến lượt phát lộc cho tôi, chị cầm hai quả nhãn trong tay và hát:
“Sơ sinh, chữ Ký là tên
Sáu tuổi, con đã thấy Tiên hiện hình
Lên chín, Rồng Đen gặp mình
Đừng tưởng Đinh Hợi giáng sinh, con ngờ
Long Biên - việc của Thiên Cơ
Long nhãn Mẹ tặng, từ giờ sổ ghi”.

9. Cảm nghĩ đầu tiên

Vì ba giấc mơ liên tục giục giã mà tôi đã đến thôn Đồng Bái. Là người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi rất thận trọng trong nghi lễ ngoại giao. Chính vì vậy, tôi đã có mặc cảm phút đầu với người con gái nhìn qua trẻ tuổi hơn tôi nhiều, vậy mà lúc nào cũng gọi mọi người xung quanh bằng “con” và xưng “ta” như người dân tộc miền núi.
Qua tối phát quà, bằng hai quả nhãn và sáu câu thơ chị ứng khẩu đã làm cho tôi sờ sợ. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1988), tôi tròn 41 tuổi. Đúng 35 năm qua, hình ảnh cô Tiên mặc áo xanh bay trên không trung phía Tây nhà tôi, ngang ngọn cây bời lời đầu ngõ, vẫn đọng lại trong trí nhớ của mình. Lại nữa, năm lên chín tuổi tôi học lớp ba, một hôm theo chị đi cắt cỏ. Tôi đã gặp một trường hợp lạ: nghe tiếng lục lạc trong ruộng lúa, tôi ngờ có con chó con của ai đó chạy lạc (ở vùng quê tôi người ta hay đeo lục lạc vào cổ chó). Tôi chạy về phía có tiếng động, thì ra một con rắn đen to dài, trên đầu có mào như mào gà song to, sắc nhọn, dài và đen. Con rắn đi chầm chậm, đầu lắc lư phát ra tiếng như lục lạc. Tôi ngó nghiêng xem tiếng lục lạc phát ra từ điểm nào trên mình rắn. Tôi vẫn tưởng ai đó đã buộc cái lục lạc dưới cổ con rắn nên cố nhìn cho ra. Con rắn hiền đến lạ. Tôi đón đằng đầu, nó rẽ sang ngang. Đến đoạn có nước, nó chạy nhanh hơn và mất hút.
Mãi hơn chục năm sau, khi ngồi trong trường đại học, bản vẽ đầu tiên của tôi là ký họa về hai ký ức này. Càng ngày càng có kiến thức, tri thức học viện, tôi càng thắc thỏm day dứt trong bản thân mình.
Tôi sinh năm 1947, năm Đinh Hợi. Bố tôi đã đặt cho cái tên là Ký. Bạn đồng lứa hay đùa tôi là “Ký chợ Sơn” (số là ở chợ Sơn quê tôi có người tâm thần tên là Ký hay lật lá bánh mà người ta vứt bỏ để nhặt phần bánh còn dính lá).
Những kỷ niệm sâu kín trên đây chỉ mình tôi biết thôi. Tôi chưa bao giờ ghi thành văn vào nhật ký và cũng chưa bao giờ kể ra bằng lời. Vậy sao chị Vân lại đọc vanh vách cả ba điều sâu kín đó chính xác đến cả thời gian? Ở tôi đã hình thành cảm tưởng ban đầu sau khi tiếp xúc với chị: con người này ở thiên thể khác lạc xuống trái đất vậy. Hành tinh mà chị ở chắc đẹp lắm? Mọi người khi tiếp xúc nhau có lẽ chỉ dùng thơ? Tôi thấy chị dễ dàng bày tỏ suy nghĩ của mình bằng thơ suôn chảy, thuyết phục hơn cả các nhà hùng biện.        
Từ ba điều bí mật của tôi bị phơi bày, cộng với ý nghĩ ban đầu về cái trí huệ, sở trường thi ca, tính tự tại phong độ, tôi linh cảm như chị có cái chìa khóa bí mật thần kỳ nào đó, nên đã mở toang các cánh cửa kín đáo tựa như “tôi đã biết rõ từ lâu rồi”, cho nên chị mới tự chủ tự tại đến như vậy.
Vì thế, tôi không thể suy nghĩ tiếp được.
Tối hôm đó, tôi thức trắng. Tôi nhớ lại quãng đường đi từ nhà đến thôn Đồng Bái dài khoảng 400 kim ấy. Tôi linh cảm như có một bàn tay vô hình đã bố trí các tình tiết chuyến đi của tôi một cách tinh tế, từ bi và lặng lẽ. Chính vì thế, tôi quyết định ở lại thêm vài ngày nữa để khảo sát thực hư: khẳng định hơn, có chứng cứ vững vàng hơn để chứng mình luận điểm hình thành ban đầu của mình; hoặc là chứng cứ nghịch hẳn với luận điểm đã có để bản thân khỏi phân vân về ba giấc mơ từ Đức Tiên Ông.
Tôi quyết định: nằm vùng khảo sát.

10. Hai ngày khảo sát
Tôi hiểu “khảo” là khảo cứu, còn “sát” - thị thực.
Tôi nghiêm túc và thầm lặng thực hiện mục đích đã định. Trong hai ngày đó tôi chỉ im lặng lắng nghe, nhìn và suy nghĩ.
Ngày 17 tháng 2 năm 1988
Sáng dậy, đang ăn cơm sáng thì ông già - thợ cả tổ mộc tâu:
- Thưa bà! Gỗ ta thừa mà hoá thiếu. Còn ba chiếc kẻ nữa, cần gỗ to hơn, xin bà cho mua để thợ kịp làm! 
- Được rồi! Để Ta liệu.
Chị Vân trả lời vậy và tiếp tục ăn sáng. Tôi tuyệt nhiên không nghe bố trí ai đi mua gỗ. Tất cả mọi người đều vào việc. Tổ thợ nề xây, trát, đầm nền để chuẩn bị láng. Tổ mộc thì người sàm, người đục, người khắc, người bào, người rọc gỗ. Tổ cấp dưỡng cho người đi hái rau ở vườn, người giã lạc làm vừng, người nấu cơm, đun nước. Số còn lại là phụ nề, trộn hồ, xách nước, chuyển gạch v.v...
Riêng tôi ngồi hút thuốc lá, uống nước, quan sát.
Lúc chín giờ, có người đàn ông chừng 60 tuổi, ăn mặc giản dị, đi vào hỏi:
- Ai là chủ nhà? Tôi có ít gỗ, ta có cần dùng không, tôi bán!
- Gỗ để ở đâu? Gỗ gì hở bác? - Chị Vân hỏi.
- Ngay trước cửa. Tôi chẳng biết gỗ gì. Thợ xem chắc biết có làm được hay không!
Chị Vân gọi bác thợ cả:
Bác ra xem số gỗ bác đây bán. Nếu làm được thì lấy tiền giả hộ.
Bác thợ cả xem xong, quyết định lấy. Anh em thợ đổ xô ra chuyển gỗ vào nhà. Trước khi ông bán gỗ ra về, chị Vân còn lấy nải chuối biếu làm lộc cho các cháu.
Công việc tiếp tục. Đến giờ cơm trưa, anh chủ thợ nề tên Hùng tâu:
- Thưa bà! Thép phi sáu làm cầu thang còn thiếu ạ.
- Thiếu nhiều không?
- Khoảng 10 kilôgam ạ.
- Được! Để Ta lo.
Nói rồi, mọi người lại tiếp tục ăn cơm. Lúc này tôi cũng ngồi chung mâm với cánh thợ. Chúng tôi ăn như ngày hội. Vì có sáu, bảy chục người nên lúc nào cũng vui, nhộn. Bỗng có chú bộ đội đi thẳng vào, trên lưng mang chiếc balô cóc khá nặng. Chú đặt balô xuống, hỏi:
- Tôi có ít sắt phi sáu, ta làm nhà có thiếu, tôi để lại!    
- Khoảng bao nhiêu? - Anh Hùng nhanh nhảu hỏi.
- Tuỳ các anh!
Thấy thế, chị Vân hỏi lại:
- Chú có bao nhiêu kilôgam sắt?
- Khoảng hơn 10 kí.
- Bao nhiêu tiền một cân?
- Tuỳ chị.
- Chúng tôi mua sắt bốn tám - Anh Hùng trả lời.
- Vâng!
Sau đó anh Hùng cân được 11,8 kilôgam, kể cả balô. Chị Vân mời chú bộ đội ở lại ăn cơm, nhưng chú từ chối. Chị lấy nải chuối bỏ vào balô, bảo:  
- Lộc Phật đó, chú không dùng cơm thì dùng quả vậy!
Chú bộ đội nhận tiền, rồi đi ra.
Buổi chiều và tối hôm đó không có gì đặc biệt xảy ra.
Ngày 18 tháng 2 năm 1988
Sáng dậy, có bà cụ dìu một cô gái mặt tái xanh, tóc xoã rũ rượi như người điên, đi vào. Bà cụ thấy nhà đông người đi lại, ngần ngại hỏi trống không như tự vấn mình:
- Người ta chỉ nhà bà Vân Tiên ở đây cơ mà?
Chị Vân trong nhà đi ra, vui vẻ:
- Vâng, Vân Tiên đây! Bác có chuyện gì đó?
- Thưa!... (bà cụ ấp úng không biết xưng hô ra sao) Con tôi nó bị đau cả tuần nay, nổi u nổi cục lên giữa bụng. Rồi cục chạy lung tung. Người nhà khiêng nó xuống bệnh viện thì họ bảo u xơ, cần phải mổ. Nó sợ, đòi về. Các bà ngoài chợ Lương Sơn mách bảo tôi đưa cháu vào đây nhờ bà Vân chữa giúp.
- Dìu cô ấy vào ngồi tử tế, rồi bệnh gì hẵng hay!
Mấy cô gái giúp bà cụ dìu người bệnh vào nhà, đặt ngồi ghế sa lông. Tôi thấy chị Vân ngáp liên hồi, ngáp đến chục cái liên tục, nước mắt chị chảy ràn rụa. Rồi chị Vân bảo người nhà:
- Đi hái nạm ngải cứu và lấy ít muối!
Sau đó chị lấy tay nhồi ngải cứu với muối, miệng đọc như hát một bài gì đó (sau này tôi mới biết đó là bài chú Đà la ni). Tiếp đến, chị lấy bát nước lã trên tủ thờ trộn với ngải cứu, gạn lấy nửa bát nước xanh lè, trao cho cô bệnh nhân và nói:
- Uống đi là khỏi!
Sau khi người bệnh uống xong, chị Vân bảo người nhà dìu cô gái vào giường. Cô gái nằm rên la một lúc, rồi im lặng ngủ. Đến giờ cơm trưa, chị Vân cho gọi người bệnh dậy, hai mẹ con bà cụ cùng ăn cơm ngon lành với chúng tôi.      
Cơm nước xong, chị Vân bảo bà cụ đưa cô gái về:
- Thế là khỏi bệnh rồi đấy! Âm phần nặng lắm, nên làm siêu độ cho các hương linh nhà ta!
Chúng tôi nghỉ trưa. Tôi tham gia đánh cờ tướng trên nền giếng trước cổng. Chiều đến, công việc xây dựng vẫn tiến hành bình thường. 
Khoảng ba giờ chiều, có hai chú bộ đội đi vào, tay xách túi:
- Chào chị ạ!
- Chú họ Lê đến tạ lễ phải không?
- Dạ!
Khi hai chú bộ đội thú nhận, tôi mới kịp nhớ ra họ chính là những người đã tới hôm 16 tháng 2. Chú bị bệnh kiết lỵ thưa:
- Em sắm lễ theo lời chị dặn đến nhờ...
- Đã khỏi chưa?
Dạ! Từ hôm ở đây về không đau nữa. Em theo dõi thì thấy bình thường rồi ạ.
Chị Vân bày  trầu cau, hương, quả của hai chú bộ đội lên tủ lệch để bát hương, rồi chị dâng hương và hát một bài thật hay. Chờ một lát, chị hạ lễ, lấy nửa nải chuối đưa cho hai chú bộ đội và nói:
- Đây là lộc Phật, con về ăn cho khoẻ!
Hai chú bộ đội vui vẻ chào mọi người, ra về.
Như vậy, sau hai ngày tôi đã chứng kiến bốn sự việc: thiếu gỗ và sắt - cầu được ước thấy; có hai bệnh nhân đến chữa bệnh - tuy hai cách chữa khác nhau, nhưng kết quả đều rõ rệt. Xuất phát từ đó, tôi nảy sinh ý định xin phép chị Vân đưa vợ mình đến đây chữa bệnh bướu cổ.
Tôi quyết định trở về nhà. Từ trong sâu thẳm lòng tôi, một nỗi niềm kính tín nơi đây đã được hình thành.

11. Phép thử

Sáng ngày 19 tháng 2 năm Mậu Thìn (1988), tôi quyết định về nhà.
Tối 18, tôi trăn trở, suy nghĩ qua một đêm. Việc tôi ra đi từ nhà xuống ga Vinh có người giúp. Từ Vinh đến Thanh Hóa có anh bạn Lê Hàn đón. Từ Thanh Hóa ra Hà Nội lại gặp hai bạn là Nhũy và Từ Thành. Từ Hà Đông về Lương Sơn đã được hai chú lái xe vui vẻ dẫn đến tận nơi. Suốt chặng đường dài ngót 400 kilômét ấy chưa phải dùng đến đồng tiền nào. Bởi vậy, tôi quyết định cúng dàng tất cả số tiền hiện có trong túi. Thực tế, các bạn tôi ở rải rác khắp cả nước, nếu gặp rắc rối tôi có thể nhờ họ đến cứu giúp.     
Tôi tự nhủ: “Đức Phật đại từ, đại bi tha thứ cho con! Thực tình, lúc đó con đã thử xem chị Vân là người thường hay là Tiên mượn thân Trần”. Tôi nói với chị Vân:
- Báo cáo chị, tôi ra đi quá đột ngột. Đến đây mới biết chị làm nhà, của ít lòng nhiều, xin chị cầm cho số tiền này để tôi yên dạ.    
Nói rồi, tôi trao cả 16 nghìn đồng gửi chị (đây là số tiền đáng kể vào thời bấy giờ). Chị nhất định không lấy. Tôi cố trình bày mãi chị mới chịu cầm. Chị nói:
 - Vậy là đồng tiền cuối cùng trong người con đã giao Ta. Ta biết con định làm gì. Thôi được, phải vậy thì Ta nhận.
Được lời như cởi tấm lòng. Trao được 16 nghìn đồng vào tay chị Vân, tôi vội vã xách balô ra đi. Nhưng chị vội bảo “Khoan đã”. Rồi chị hỏi mấy cô cấp dưỡng:
- Lễ khao binh buổi sáng đâu?
- Dạ, có đây ạ!
Một cô gái bê lên mâm cháo hoa, trên mâm còn có bát nước lã, đĩa gạo và đĩa muối. Chị Vân thắp nguyên một búp hương, cắm ngay cạnh vườn cam, mâm cháo cũng để tại đó. Rồi chị hát một bài hay tuyệt, giọng lâm ly, trầm bỗng đến lạ kỳ. Nội dung bài hát thì dài, song tôi có nghe nói đến chư tướng, chư binh hộ trì cho tôi về quê an toàn. Hát xong, chị lấy nắm gạo, nắm muối vứt lung tung ra đất. Gạo, muối tung lên cả người tôi. Xong rồi, chị quả quyết:
- Con đi được rồi đấy! Con phải đến đây nữa mà!
Tôi đi ra đến đường 6 là có xe đi Hà Đông ngay. Xuống xe, họ chẳng lấy tiền. Tôi lên xe buýt về Hà Nội, họ cũng không lấy tiền. Đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), nhà ga thông báo: Chuyến tàu Hà Nội - Vinh được lệnh xuất phát. Tôi đi thẳng vào cổng ga mở ngỏ. Mấy nhân viên sợ tôi chậm tàu nên chẳng đón hỏi vé gì cả. Vừa lên bậc vào toa, tàu bắt đầu chuyển bánh. Tôi kiếm ghế ngồi ngủ một thôi. Đến ga Thường Tín, nhà tàu đi kiểm tra, họ vẫn để yên cho tôi ngủ. Đến Thanh Hóa, một đoàn 9-10 thương binh đi buôn thuốc lá mời tôi ăn cơm. Từ Thanh Hóa về Vinh, dù trên chuyến tàu mà tựa hồ như ở nhà mình vậy. Đến Vinh, khi xuống tàu ra cổng thì gặp cậu Minh đang ngồi trên xe máy, nó đưa tôi vào tiệm ăn dùng bữa, rồi chở tôi về tận nhà.
Tám giờ sáng ngày 20 tháng 2 năm Mậu Thìn (1988), tôi có mặt tại nhà riêng ở Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).
Sau chuyến đi này, tôi suy nghĩ nhiều lắm.      
Khi đi, tôi không sử dụng đến tiền là do tình cờ gặp may. Nhưng khi về, tôi đã chủ động thử: dù không có đồng tiền nào dính túi cũng chẳng hề gì!
Rõ ràng là Đức Phật từ bi đến im lặng. Ai tin cũng im lặng. Ai báng bổ cũng im lặng.
Chuyến đi này là nhân duyên tạo tác cho các chuyến đi sau này của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét