Phần thứ nhất NHỮNG GIẤC MƠ TIÊN
Phần thứ nhất
NHỮNG GIẤC MƠ TIÊN
1. Giấc mơ đầu tiên
2. Chứng nghiệm
3. Gia phả họ Phan
4. Hợp đồng vẽ quảng cáo
5. Chân dung lãnh tụ
6. Nguyên nhân dẫn tôi đi
7. Đi tìm thôn Đồng Bái
8. Tặng thơ - tặng quà
9. Cảm nghĩ đầu tiên
10. Hai ngày khảo sát
11. Phép thử
12. Xin thuốc... vào tù
13. Tại Công an huyện Lương Sơn
14. Hàn huyên sau 63 ngày tu - Tạ ơn
15. Trả lại tiếng nói
16. Vào tù lần hai
17. Điên Liên Thiên
18. Về xây chùa Đại Hùng
19. Trò chơi - Trời cho
20. Xơ gan cổ trướng
21. Lại bệnh cổ trướng
22. Vào tu lần ba
1. Giấc mơ đầu tiên
Khác với mọi ngày, hôm nay tôi ăn cơm và đi ngủ sớm. Đêm đó tôi mơ thấy một vị Tiên Ông tay cầm cây gậy trúc, chân đi đôi guốc mộc, vận bồ quần áo đỏ thắm, râu tóc bạc phơ, tươi cười nói:
- Thìn khắc ngày mai, con hãy tới “Cây đa cháo lòng”, trong hốc cây giữa thân Ta giành cho con một điều lý thú!
Sáng ấy, tôi đi thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) để mua thêm một ít bột mầu, trên đường đi bỗng nhớ lại giấc mơ. Cần nói rõ, ở xã Hưng Chính - huyện Hưng Nguyên (nay thuộc thành phố Vinh), cạnh gốc cây đa cổ thụ có quán bán cháo lòng, nên người dân thường gọi là “Cây đa cháo lòng”.
Đến nơi, tôi dựng xe và đi thẳng tới cây đa để tìm “hốc cây giữa thân”. Tôi thấy có một phong thư. Giở ra, thấy có sáu hàng chữ Nho viết bằng mực đỏ. Không đọc được, tôi định vứt bỏ, song lại nghĩ cứ bỏ vào túi. Trưa hôm đó, sau khi ăn cơm tôi ngồi uống nước tại vườn hoa Cửa Nam (thành phố Vinh). Đang nhấm nháp vị thơm ngon của chén trà Bắc Thái thì bất chợt có cụ già tới ngồi cạnh tôi và bảo:
- Con đưa bức thư ta xem!
Tôi ngơ ngác nhìn cụ, song vẫn ngoan ngoãn đặt chén trà xuống, rồi móc túi lấy bức thư. Cụ cầm luôn trên tay tôi, giở ra và cao giọng ngâm:
“Giáng sinh chữ Ký là tên,
Họ Phùng, danh tính Long Biên định rồi.
Phải tin rằng có Phật Trời,
Mai ngày con hiểu Thiên thời viên thông.
Ta là Đại Đức Tiên Ông,
Sẽ dạy con hiểu Sắc - Không là gì!”.
Tôi tự vấn: sao cụ biết họ tên mình?
Song, tôi vẫn chưa tin và nghĩ: Ông cụ biết tôi không hiểu chữ Hán mà đọc vậy...
2. Chứng nghiệm
Buổi tối, Đại Đức Tiên Ông lại về. Ngài bảo:
- Ngày mai có con cháu Cương Quốc Công Nguyễn Xí về nhờ con vẽ sơ đồ gia phả họ Nguyễn Đình, chi mười ba Thanh Hưng (huyện Thanh Chương - Nghệ An). Con cố thi công lập đức nghe!
Sáng dậy, tôi ra quán nhà mình trước ngõ thì đã thấy ba người khách lạ. Một người đứng dậy vui vẻ nói:
- Chào chú Phùng Long Biên! Anh em tôi có việc đến nhờ chú đây.
Tôi hỏi:
Các bác là người họ Nguyễn Đình ở Thanh Hưng - Thanh Chương phải không?
- Vâng!
- Các bác nhờ tôi vẽ sơ đồ gia phả chi mười ba chứ gì?
- Đúng quá!
Cả ba người tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sao chú biết vậy?
- Có gì đâu, ông cụ Đại Đức Tiên Ông đã nói cho em biết tối hôm qua.
Họ ngơ ngác nhìn nhau...
Lần đầu tiên tôi đã chứng nghiệm giấc mơ.
3. Gia phả họ Phan
Đêm ấy, Đại Đức Tiên Ông bảo:
- Ngày mai, ông Phan Văn Tự ─ chủ tịch xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên - Nghệ An) ─ sẽ đến nhờ con viết cho họ Phan ba quyển gia phả. Con gắng thi công lập đức nghe!
Tôi vốn quen thân anh Tự đã lâu. Song, không hề biết anh ấy có ý định viết, vẽ gia phả.
Sáng dậy, anh Phan Văn Tự đến thật. Anh vui vẻ nói:
- Họa sĩ giúp tôi một việc!
Tôi hoan hỷ “đoán”:
- Anh nhờ em làm cho họ Phan ba quyển gia phả chứ gì?
Anh Tự trố mắt nhìn tôi, hỏi lại:
- Họa sĩ học chiêm tinh từ bao giờ?
- Anh quá khen. Thú thực cùng anh, tối qua Đại Đức Tiên Ông đã cho em biết. Thôi, kế hoạch ra làm sao thì anh nói rõ yêu cầu cho em nghe.
- Chú Biên này, vừa rồi tôi đi Huế và Sài Gòn. Sau khi tập hợp gia phả ba vùng, hai chi họ Phan ở Huế và Sài Gòn giao cho tôi lập hoàn chỉnh gia phả, viết thành ba quyển. Tôi giữ lại một quyển, hai quyển nữa gửi đi Huế và Sài Gòn. Việc này nhờ họa sĩ mới xong.
Lần này, tôi tin hơn về giấc mơ.
4. Hợp đồng vẽ quảng cáo
Đêm đến, Đại Đức Tiên Ông lại bảo:
- Ngày mai có Nguyễn Văn Phúc, phụ trách thi đua của Liên đoàn địa chất 4 đến nhờ con vẽ quảng cáo. Liên đoàn mừng công Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Thìn khắc, con ở nhà tiếp khách. Gắng làm tốt nghe con!
Đúng 8 giờ, có chiếc xe con đậu trước nhà. Hai người cao lớn đi vào, một người nói:
- Nhìn quảng cáo là biết chữ anh Biên ngay!
Vào nhà, qua trao đổi thì đúng là hai anh đến để hợp đồng vẽ tranh cổ động cho lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chính phủ tặng thưởng Liên đoàn địa chất bốn.
Sau khi thảo xong hợp đồng, cả ba cùng ký. Nhìn hợp đồng tôi thấy họ tên của hai người đó là:
1. Nguyễn Văn Phúc, phụ trách thi đua của Liên đoàn.
2. Phan Văn Cơ, trưởng phòng hành chính của Liên đoàn.
Tới lúc này, tôi tin là không có việc gì mà Đại Đức Tiên Ông lại không tường. Thật là vi diệu!
5. Chân dung lãnh tụ
Đêm ấy, Đại Đức Tiên Ông bảo:
- Con đóng 3 khung 80x120 cm để vẽ chân dung ba vị lãnh tụ là Các Mác, Ăng Ghen, Lê Nin bằng sơn dầu. Ba hôm nữa sẽ có ông Lộc, hiệu trưởng trường Đảng huyện Nam Đàn đến đặt hàng. Có thêm nữa đấy!
Ngủ dậy, tôi đi mua gỗ, vải, đinh để đóng khung và căng vải ngay. Buổi chiều, tôi dùng chì đã phác thảo xong ba chân dung. Hôm sau, tôi vẽ xong Lê Nin. Tiếp đến, tôi vẽ Ăng Ghen. Ngày thứ ba, tôi vẽ Các Mác.
Từ các năm 1984-1990, nhà tôi ở sát mặt đường tỉnh lộ 49 Vinh-Nam Đàn. Phòng vẽ của tôi được xây trên mặt ao, thoáng mát. Khi đi qua đường, ai cũng nhìn được. Ngay trước nhà lại có quán giải khát.
Đúng ba ngày sau, có một người khách ngồi giải khát nơi quán. Người đó nói vọng qua ao:
- Đã có khách đặt hàng chưa hay họa sĩ sáng tác vậy thôi?
Đang vẽ, tôi không quay lại, trả lời:
- Có khách rồi bác ạ!
- Khách nào vậy, họa sĩ?
- Bác Lộc ở trưởng Đảng huyện Nam Đàn!
Người khách đi thẳng vào phòng vẽ niềm nở:
- Mời họa sĩ nghỉ tay, uống nước!
Tôi dừng tay, ngâm bút vào lọ, đứng dậy:
- Chào bác!
Người khách dắt tay tôi ra quán, hai anh em hút thuốc và chuyện trò. Khách nói:
- Tôi là Lộc, hiệu trưởng trường Đảng huyện Nam Đàn đây!
Tôi nhìn bác Lộc chằm chằm. Thấy vậy, bác Lộc hỏi:
- Họa sĩ thấy tôi lạ lắm sao?
Tôi kể lại giấc mơ ba hôm trước đây cho bác Lộc nghe. Kể xong tôi hỏi:
- Trường ta có định vẽ chân dung lãnh tụ không đấy?
- Sáng nay, tôi đi ký hợp đồng vẽ đây!
- Ngoài chân dung ba vị lãnh tụ ra, còn định làm một số trang trí gì khác nữa phải không?
- Đúng! Làm câu khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác - Lê Nin vô địch muôn năm” để ngay dưới ba chân dung. Hai bên cánh gà là hai lời trích. Một bên là lời trích của Bác Hồ về đào tạo cán bộ Đảng, bên kia là lời trích Nghị quyết Ban bí thư về công tác tổ chức cán bộ.
- Thảo nào ông cụ nói “có thêm nữa đấy”.
Hàn huyên, tâm hợp ý đầu. Hôm đó, chúng tôi chính thức ký hợp đồng.
Đến đây thì tôi không hoài nghi một chút nào về những giấc mơ Tiên nữa rồi. Từ đó, khi ngủ dậy tôi kể giấc mơ cho cả nhà nghe trước. Cứ ngày này đến ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, hai năm 1986-1988 cả nhà tôi chiêm nghiệm chẳng hề sai.
Rồi một hôm, Đại Đức Tiên Ông lại lái tôi đi theo một dạng mơ khác.
6. Nguyên nhân dẫn tôi đi
Tối ngày 13-2-1988, Đại Đức Tiên Ông lại bảo:
- Biên! Con nghe Ta truyền: Con phải đến thôn Đồng Bái, xã Hùng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Bề Trên sẽ dạy bảo. Con nghe rõ lệnh Ta chứ?
Nói xong, ông cụ chống gây ra đi.
Như thường lệ, ngủ dậy ăn uống xong, tôi lại cầm bút vẽ. Sự say mê làm tôi quên lãng giấc mơ tối qua.
Tối ngày 14-2, ông cụ lại về báo mộng cho tôi. Nội dung y nguyên như tối đầu. Ngủ dậy, tôi lại bắt tay vào việc (vì có quá nhiều bản hợp đồng còn đọng lại chưa vẽ xong), nên tôi quên giấc mơ.
Tối rằm tháng 2 làm tôi nhớ mãi. Ông cụ lại về báo mộng. Nhìn vẻ mặt, ông cụ có vẻ giận tôi lắm. Ngài đứng đầu giường gọi tôi ngồi dậy và bảo:
- Đã hai lần Ta báo mộng, sao con cưỡng lệnh?
Ta nhắc lại: Con phải đến thôn Đồng Bái, xã Hùng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Bề Trên sẽ dạy bảo!
Nói xong, ông cụ đi khoảng ba bốn bước, rồi ngoái đầu hỏi lại:
- Con nghe rõ lệnh Ta chứ?
- Dạ!
Tôi đáp “dạ” một tiếng thật to. Cả nhà nghe rõ và thức giấc. Nhà tôi thấy tôi đang ngồi chắp tay, hỏi:
- Ba chưa ngủ à? Sao dạ to vậy?
Tôi kể lại giấc mơ cho nhà tôi nghe. Dạng chuyện này cả nhà tôi không xa lạ gì và thực tiễn đã làm cho cả nhà chỉ biết tin. Nghe xong câu chuyện, vợ tôi nói:
- Ba phải đi rồi! Hoà Bình ở tận đâu?
Sáng dậy, tôi chuẩn bị hành trang ra Bắc.
7. Đi tìm thôn Đồng Bái
Đang chuẩn bị hành trang, vừa lúc chú Đặng Trung Ngọc, kiến trúc sư, trên đường về công sở ghé vào quán uống nước. Ngọc thấy tôi chuẩn bị ba lô thì hỏi:
- Anh đi đâu mà hành trang sẵn sàng như ra trận vậy?
- Mình đi Hoà Bình, Ngọc ạ! Chú chở bác xuống Vinh luôn nhé!
Tôi cùng Ngọc đi Vinh. Đến ga Vinh, tàu chuyển bánh, tôi không kịp mua vé, lên tàu luôn. Từ Vinh đi Thanh Hoá, tổ nhà tàu không hề soát vé tôi. Đến Thanh Hoá, khi tôi xuống ăn trưa thì gặp hoạ sĩ Lê Hàn, giám đốc xí nghiệp mỹ thuật Thanh Hoá. Hàn reo lên:
- Cơn gió nào đưa bạn từ xứ Nghệ ra quê bà Triệu đấy? Vào chỗ mình chơi. Chị và các cháu nhắc cậu hoài...
- Cảm ơn anh! Để khi khác, hôm nay tôi đi Hoà Bình có tý việc.
- Thôi thì... chẳng mấy khi “Rồng đến nhà Tôm”, vào đây!
Anh dắt tay tôi vào quán. Chúng tôi ăn trưa xong cũng vừa lúc nhà tàu thay xong đầu máy. Chúng tôi chia tay mà còn bao điều bịn rịn. Từ Thanh Hoá đi Hà Nội, tổ nhà tàu khác lên thay tổ cũ. Cũng như tổ trước, chẳng ai hỏi vé tàu của tôi. Đến ga Hàng Cỏ ở Hà Nội, tôi xuống tàu ra cổng, người soát vé cũng bỏ qua tôi. Ra sân ga Hàng Cỏ, tôi gặp Nhuỹ và Từ Thành (sau này anh là hiệu trưởng trường Mỹ thuật Hà Nội). Hai người reo lên:
- Biên! Nghệ Tĩnh cử mày ra làm triển lãm phải không? Quà xứ Nghệ đâu?
Chúng tôi kéo nhau vào quán uống nước. Tôi nói cho Nhuỹ và Thành biết là đi Hoà Bình. Chúng tôi chia tay. Tôi tới bến xe Hà Đông. Khi đến nơi, chuyến xe sáng cuối cùng đi Lương Sơn vừa chạy. Tôi quay ra đường 6. Có chiếc ca-mát chạy rất nhanh đi Hoà Bình, tôi vẫy tay xin đi. Xe dừng lại cho tôi lên. Đến một chỗ thuộc địa phận Hoà Bình thì xe chết máy. Người phụ lái nhảy xuống hý hoáy sửa, nhưng xe vẫn không nổ máy được. Dường như sự bực dọc ấy đổ lên đầu tôi. Người phụ lái bảo tôi: “Anh xuống đi”. Rồi anh ta bế xốc tôi xuống.
Tôi cảm ơn và xin gửi tiền đi xe, nhưng họ không lấy mà bảo:
- Biếu anh đấy!
Tôi thực sự lạc hướng trên đoạn đường. Đi tới chỗ đông người (sau này mới biết đó là chợ Lương Sơn), tôi hỏi bà bán trầu cau:
- Huyện Lương Sơn ở đâu, thưa cụ?
Người bán hàng trả lời:
- Ở đây!
- Xã Hồng Sơn ở đâu ạ?
- Cũng ở đây!
- Thôn Đồng Bái cách bao xa?
- Chính đây luôn! Chú hỏi ai ở thôn Đồng Bái?
Tôi ngơ ngác khi nghe bà cụ hỏi lại. Tôi kể giấc mơ cho bà cụ nghe. Bà bảo tôi:
- Chú đi theo cô này!
Bà chỉ tay về phía cô gái cầm hương và trầu cau, gạn hỏi:
- Cô đi vào nhà bà Vân Tiên phải không?
Cô gái trả lời “Vâng!”.
- Cho chú đây theo vào với!
Tôi chưa hiểu ý, hỏi lại:
- Bà Vân như thế nào mà cháu phải vào?
- Hay chưa? Chú đến thôn Đồng Bái mà không biết đến ai, chẳng nhẽ về không sao? Có người bảo là bà Vân điên, có người bảo là bà Vân Tiên. Biết đâu chú nhận được lệnh Bề Trên từ đấy cũng nên!
Tôi vẫn phân vân, hỏi tiếp:
Sao lại bảo Vân điên?
- Bà chửi khắp lượt loại cán bộ tham nhũng. Trải chiếu hoa ra giữa chợ ngồi, bà chửi mà lại chửi bằng thơ mới hay chứ! Bởi vậy, nên người ta gọi là bà điên.
- Thế còn Vân Tiên là ý làm sao?
- Bà chữa bệnh bằng hoa, bằng cỏ cây, nước lã mà được bệnh. Thôi, chú đi theo cô đây để tôi còn bán hàng!
- Tôi ngoan ngoãn chấp hành “lệnh” bà cụ bán trầu cau, theo người bạn đường không quen biết đến nhà bà Vân Tiên ở thôn Đồng Bái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét