TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Một năm có bốn mùa và bao giờ mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất, mùa mở đầu và Tết là ngày bắt đầu cho một năm mới. Tết là dịp để người ta bày tỏ tình thương yêu nhân loại, sum họp gia đình, thờ phượng tổ tiên và thăm viếng thân nhân. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, chơi đùa, ngẫm lại một năm đã qua, để chuẩn bị cho một năm mới bao điều tốt lành. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng đều biết nguồn gốc của ngày Tết cổ truyền Việt Nam và những mỹ tục với các giá trị truyền thống tốt đẹp. Một mùa xuân đang về trên mọi miền đất nước, nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại một vài nét về lịch sử cũng như những nét mỹ tục cổ truyền của ngày Tết.
Một năm có bốn mùa và bao giờ mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất, mùa mở đầu và Tết là ngày bắt đầu cho một năm mới. Tết là dịp để người ta bày tỏ tình thương yêu nhân loại, sum họp gia đình, thờ phượng tổ tiên và thăm viếng thân nhân. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, chơi đùa, ngẫm lại một năm đã qua, để chuẩn bị cho một năm mới bao điều tốt lành. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng đều biết nguồn gốc của ngày Tết cổ truyền Việt Nam và những mỹ tục với các giá trị truyền thống tốt đẹp. Một mùa xuân đang về trên mọi miền đất nước, nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại một vài nét về lịch sử cũng như những nét mỹ tục cổ truyền của ngày Tết.
Tết cổ truyền Việt Nam có từ đâu?
Đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết dân tộc Việt Nam bắt đầu ăn tết từ khi nào và tại sao lại có ngày Tết. Sách “Việt sử đại toàn” đã ghi lại việc này, theo giới nghiên cứu thì việc ghi chép này cũng chưa mấy cụ thể nhưng qua phân tích ta có thể suy đoán một cách tương đối về thời gian hình thành mỹ tục ăn Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử và truyền thuyết cho thấy, Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất – năm 2879 trước công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng Vương 6. Có thể nói, nước ta sớm hình thành một nền văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của người Việt. Nền văn hoá với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, cùng những sản vật từ lúa gạo. Gạo - thứ thực phẩm chính nuôi sống con người, trong đó gạo nếp là thứ ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp được chọn để làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm.
Thực ra, cho đến nay, nói chính xác dân ta bắt đầu ăn Tết từ khi nào không ai nắm rõ. Lịch sử Trung Hoa viết, từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và Tích Quang - quan nước Tàu sang nước ta, truyền cho dân ta biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Song thực tế đã chứng minh rằng: Trước khi người Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có văn hóa nền nếp, đặc sắc và có việc tổ chức ăn Tết Nguyên Đán.
Thứ nhất: Vua Hùng không giống các vị hoàng đế Trung Hoa - nhất nhất theo Khổng giáo. Việc truyền ngôi cho con trai thứ 18 đã chứng tỏ sự khác biệt của dân tộc Việt với dân tộc Hoa. Thông thường các hoàng đế truyền lại ngôi cho vị hoàng tử cả nhưng Hùng Vương thứ 6 của nước Văn Lang không theo nguyên tắc đó, ông chọn người kế vị trị vì đất nước thay mình là người hiền đức, bất luận đó là cả hay thứ.
Thứ hai: Lang Liêu là một hoàng tử, đương nhiên phải là người được tiếp thu, thấm nhuần văn hoá dân tộc và tư duy theo cách của đồng bào mình. Theo đó, thấy rằng, dân tộc Việt ta có cách nghĩ thực tế hơn so với người Hoa. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Đất ở đây không có nghĩa là trái đất, mà là những mảnh ruộng vuông vắn - nơi người dân trồng cây lúa nước nuôi sống chính mình. Bánh giày tượng trưng cho trời tròn không có nghĩa là bầu trời hình tròn, mà là hệ vòng quay 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông liên tiếp. Người Hoa thường giải thích vạn vật qua những hệ số, bói toán trừu tượng, đôi khi như ma thuật rất xa xôi, khó hình dung.
Như vậy, có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam phải hình thành từ trước thế kỷ thứ nhất, không phải do người Hoa khai hoá hay đồng hoá. Tuy nhiên, do cùng nằm chung vùng lục địa, lại nằm kề nhau nên không thể không mang những ảnh hưởng của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ nước ta nhiều năm liền những ảnh hưởng đó càng lớn hơn. Song về cơ bản bánh chưng, bánh giày là đặc trưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ truyền có thể thiếu câu đối đỏ song không thể không có bánh chưng xanh để cúng tế tổ tiên.
Trong các sách viết về văn hóa Việt Nam đều cho rằng, vào thời cổ, năm mới ở phương Nam bắt đầu từ tháng Tí, tức tháng Một (=11), về sau ta chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, mới lấy tháng Dần (tháng Giêng) làm tháng đầu năm. Chỉ riêng một vài dân tộc thiểu số và một số vùng vẫn còn duy trì tục đón năm mới vào tháng Tí. Tuy chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc xác định mốc đầu năm nhưng Tết cổ truyền Việt Nam vẫn mang trọn vẹn đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc.
Phong tục ngày Tết - đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
Có thể nói, đặc trưng điển hình nhất cuả Tết Nguyên Đán là nếp sống cộng đồng. Các phong tục ngày Tết cũng xuất phát chính từ những đặc trưng này. Từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo về Trời), người dân nô nức đi chợ Tết. Chợ Tết là thước đo sự ấm no của cộng đồng trong năm. Rồi người ta chung tay giết lợn, chung tay gói bánh chưng (tạo nên tục gói bánh chưng ngày Tết). Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu ngày Tết cũng cố gắng về đoàn tụ với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về gặp mặt; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được cúng bái. Từ sau ngày 23 tháng Chạp, người ta thường đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Mỗi gia đình sẽ tiến hành lễ rước vong linh ông bà tổ tiên (thường gọi là cúng rước) vào chiều ngày cuối năm.
Nhà văn Băng Sơn trước bàn thờ tổ tiên Tết Kỷ Sửu
Tính cộng đồng của Tết cổ truyền Việt Nam bộc lộ một cách đặc biệt qua mỹ tục mừng tuổi và chúc Tết. Truyền thống Việt Nam không có tục kỉ niệm sinh nhật, mọi người đều như nhau – Tết đến, tất cả đều thêm được một tuổi. Tục chúc Tết cũng có nhiều sắc thái, đó là sự bày tỏ tình thương yêu thấm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý qua những lời chúc. “Mồng một là Tết nhà cha”: sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. Ngày xưa họ còn được con cháu tế sống với hai lạy hai vái. Để mừng tuổi con cháu là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt bọn trẻ. “Mồng hai nhà mẹ”: cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình. “Mồng ba Tết thầy”: sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người.
Với quan niệm “có thờ có thiêng - có kiêng có lành”, người dân Việt rất coi trọng tục xông đất ngày Tết, đây là việc làm rất ý nghĩa và trang nghiêm. Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả đem sự may mắn đưa đến. Do đó, mọi người đã cân nhắc kĩ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, vận hạn khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm. Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến nhà đầu tiên trong ngày Nguyên Đán. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của gia chủ được trôi chảy thông suốt.
Xuất hành ngày Tết cũng được coi là một mỹ tục trang nghiêm. Khi tiếng pháo đã ngớt đêm giao thừa, mỗi gia đình thường cử một người xuất hành (tức là bước ra khỏi nhà) trong những giây phút mới mẻ ngày đầu năm. Xuất hành phải xem lịch để chọn hướng tốt, hạp với tuổi của mình, ngụ ý để mang đến điều may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà trong năm mới. Sau khi xuất hành xong, người ta có thể tự xông nhà.
Tết Nguyên đán là một phong tục cổ truyền thấm đậm bản sắc Việt. Đây là lễ hội lớn nhất, thiêng liêng nhất đối với người Việt. Điều ấy ai cũng biết. Nhưng từ trong sâu thẳm của người Việt ngày nay dường như ai cũng thấy nuối tiếc những nét đẹp văn hóa của cái Tết cổ truyền xưa và một nỗi buồn, sự trăn trở vì Tết ngày nay. Nhiều điều không còn giữ được sự đầm ấm, trong sáng như xưa. Có những phong tục cổ truyền giờ đây đã bị biến tướng không còn giữ được sự thiêng liêng, trong sáng vốn có của nó. Thiết nghĩ, cuộc sống hôm nay tuy khác nhiều so với ngày xưa, cả về vật chất và tinh thần, nhưng người Việt Nam ta mãi mãi vẫn thế, vẫn mang trong mình những tâm hồn, cốt cách, phong tục, tập quán rất đặc trưng. Hy vọng rằng, các phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc mãi mãi được gìn giữ và phát huy trong mỗi gia đình và cộng động. Tết cứ đến và qua đi cùng quy luật tuần hoàn của đất trời, nhưng hương vị Tết Việt thì mãi chẳng thể thiếu trong tâm linh và cuộc sống của mỗi gia đình Việt Nam.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Cơ sở Văn hóa Việt Nam – GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
2. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam – GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
3. Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa - Nguồn: Internet
(Nguồn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét